Người Mường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối… ở tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ. Mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, khuôn viên của mỗi gia đình thường nổi bật lên những hàng cau, cây mít. Đại bộ phận ở nhà sàn, kiểu nhà bốn mái. Phần trên sàn người ở, dưới gầm đặt chuồng gia súc, gia cầm, để cối giã gạo, các công cụ sản xuất khác.
Nguồn gốc lịch sử
Người Mường có quan hệ rất gần với người Kinh, có cùng nguồn gốc với người Kinh. Các nhà dân tộc học ngôn ngữ đưa ra thuyết cho rằng người Mường và người Kinh có nguồn gốc chung là người Việt-Mường cổ. Vào thời kỳ ngàn năm bắc thuộc thì bộ phận người cư trú ở miền núi, bảo tồn bản sắc cổ Âu Lạc, và sau này trở thành người Mường. Bộ phận ở trung du và đồng bằng có sự hòa trộn với người phương bắc về văn hóa, ngôn ngữ và nhân chủng thì thành người Kinh.
Quá trình chia tách Mường – Kinh, xác định theo ngôn ngữ học thì diễn ra bắt đầu từ thế kỷ 7-8 và kết thúc vào thế kỷ 12, thời Nhà Lý.
Văn hóa lúa nước
Hoạt động kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp ruộng nước. Người Mường kết hợp nông nghiệp lúa nước với nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm và tiểu thủ công nghiệp mang nặng tính tự cung, tự cấp. Do địa bàn cư trú là trong các thung lũng dưới chân núi, những nơi có sông suối dày đặc, nên từ lâu người Mường đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước tưới tiêu cho ruộng và trồng hoa màu. Họ còn làm các nghề thủ công mà tiêu biểu là nghề dệt và đan lát.
Ngôn ngữ
Một điều thú vị là tiếng Mường và tiếng Kinh có rất nhiều điểm tương đồng, đó là do bản chất hai dân tộc trong lịch sử đã từng là một dân tộc mà tách ra.
Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường trong ngữ chi Việt của ngữ hệ Nam Á.
Một số từ tương đồng phổ biến phải kể đến như: Con, con chim, con voi, ăn, cho, tiêu pha,… một số từ khác phụ âm đầu: tay = xay, đi= ti, con dê= con tê, coan tê (con dê), con bò= con pò, máy bừa= máy pừa, tai= xai…
Khu vực sinh sống
Người Mường chủ yếu sinh sống ở khu vực Hòa Bình, ngay bên cạnh các khu vực sinh sống của người Việt, sự cách trở địa lý không lớn nên vẫn giữ được nhiều điểm chung.
Các tỉnh có người Mường đông là:
- Hòa Bình (549.026 người, chiếm 63,3% dân số của tỉnh),
- Thanh Hóa (376.340 người, chiếm 9,5% dân số của tỉnh),
- Phú Thọ (218.404 người, chiếm 13,1% dân số của tỉnh),
- Sơn La (84.676 người, chiếm 8,2% dân số của tỉnh),
Comments are closed