Đặc sản dân tộc Cơm Lam Mường Động
Đến với Hòa Bình, ấn tượng khó quên đến từ sự hấp dẫn của những đặc sản nơi đây như “Dê núi đá, Cá Sông Đà, Gà ri chân nhỏ, Lợn cỏ hương thơm, Cơm lam Mường Động”. Từ lâu, cơm lam Mường Động đã trở thành món ăn dân dã nhưng chứa đựng nét văn hóa rất đặc biệt của con người thuộc vùng đất này.
Theo các cụ già trong Mường, trước kia người dân Mường Động, huyện Kim Bôi còn đói khổ, thường phải đi rừng, đi nương để đào củ sắn, củ mài về ăn nên họ phải đi từ mờ sáng cho tới khi tối lặn mặt trời, thậm chí ngủ lại trong rừng. Vì vậy, người dân phải mang theo lương thực như: gạo, muối hay muối vừng để ăn. Do không thể mang theo những vật dụng để nấu ăn như xoong, nồi nên đồng bào đã chọn những cây nứa, cây hóp bánh tẻ có nước ở bên trong rồi cho gạo, sắn vào đó và nướng trên than hồng đến khi bên ngoài cháy vàng thì cơm trong ống sẽ chín. Khi ăn, cơm có vị ngọt, bùi và hương thơm rất đặc trưng của tre, nứa non nên người dân gọi đó là cơm lam.
Nguyên liệu làm cơm lam gồm có gạo nếp (chỉ dùng gạo nếp nương loại gạo được người Mường trồng trên các sườn núi), ống tre, nứa hoặc ống hóp được cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài khoảng 35-40cm. Điều cần lưu ý là những loại ống này phải lấy từ cây tươi, bánh tẻ, không già hoặc non quá, vì khi nướng trên lửa ống cơm sẽ tránh bị héo, khô và bị cháy. Điểm đặc biệt của cơm làm nằm ở cách chế biến. Người làm cơm lam thường sử dụng luôn thứ nước có sẵn trong ống tre, nứa, hóp để nướng cơm thì cơm mới có vị thơm, ngọt riêng biệt. Gạo nếp được ngâm khoảng 8 – 12 tiếng để cho hạt gạo mềm, dễ chín. Sau khi đãi sạch, gạo sẽ được trộn thêm một chút muối trắng và cùi dừa nạo băm nhỏ, sau đó nén gạo vào ống thật chặt rồi đổ thêm nước cho đầy miệng ống, dùng lõi ngô hoặc mẩu mía nút chặt lại rồi xếp vào lò thành hình tròn. Củi và than sẽ được đốt ở giữa trong thời gian 45 đến 50 phút. Khi nướng cơm lam, phải nướng bằng than củi và xoay đều những ống cơm, nếu thấy mùi thơm từ ống Lam bay ra có nghĩa là cơm đã chín. Sau đó, ống cơm lam sẽ được chẻ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài rồi bóc từng miếng vỏ sao cho vẫn giữ được lớp màng bọc xung quanh, như vậy cơm lam mới thực sự ngon. Cơm có thể ăn với thịt lợn nướng, thịt gà, thịt lợn rang băm nhỏ, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng.
Trong tập quán của người Mường Hòa Bình nói chung và người dân Mường Động nói riêng, thường thì người đàn ông là người đảm nhận việc chế biến các món ăn trong gia đình, nhưng với món cơm lam ở Mường Động thì cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em đều biết làm. Họ làm cơm lam khi đi lao động trên nương, vào rừng kiếm củi, trẻ em thì làm để ăn khi đi chăn trâu.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mường Động đã có nhiều thay đổi, họ không còn làm cơm lam khi đi lao động sản xuất nữa, nhưng không vì thế mà món ăn dân dã từ ngàn xưa bị mai một. Thay vào đó, cơm lam đã trở thành món ăn thường xuyên trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Đồng thời, nó còn mang lại lợi ích về kinh tế cho hàng trăm hộ gia đình trên tuyến điểm tham quan, du lịch và các khu nghỉ dưỡng của huyện Kim Bôi như: Khu du lịch Suối khoáng, Cửu Thác, Thác Mặt Trời, khu Resort…
Hà Nội
Cơm lam Mường Động rất ngon, ăn mãi mà không chán